Hiệu ứng Barnum

Hiệu ứng Barnum (hiệu ứng Forer, hiệu ứng Barnum – Forer) là hiện tượng các cá nhân đánh giá cao những mô tả riêng về tính cách họ, nhưng thực ra lại không cụ thể và đúng với nhiều người.[1] Hiệu ứng này có thể giải thích một phần nguyên nhân gây ra sự phổ biến của những niềm tin và hành vi huyền bí như chiêm tinh, bói toán, xem tướng và một số bài kiểm tra tính cách.[2]Những tay lừa đảo chuyên nghiệp thường lợi dụng hiệu ứng này để thuyết phục các nạn nhân rằng trước mặt họ là những người có tài năng huyền bí. Vì những lời tự nhận này không rõ ràng, nạn nhân sẽ tự giải nghĩa, từ đó "cá nhân" hoá các nhận định. Ngoài ra, người ta cũng dễ chấp nhận các đánh giá tiêu cực về bản thân hơn nếu cho rằng người đánh giá là chuyên gia lớn.Nhà tâm lý học Paul Meehl là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ "Hiệu ứng Barnum", trong bài tiểu luận Wanted - A Good Cookbook của mình. Ông dùng cụm từ này vì thấy có sự tương đồng giữa những nhận định tính cách mơ hồ trong các bài kiểm tra tâm lý "giả thành công" và những màn trình diễn của Phineas Barnum.[3][4]